Sữa đầu là loại sữa đặc biệt được tiết ra ngay sau khi gia súc mới đẻ. Loại sữa này đảm bảo cho gia súc non được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và điều quan trọng hơn cả là cung cấp kháng thể giúp cho cơ thể con mới sinh ra chống lại các bệnh tật xâm nhập vào. Nếu gia súc non không được bú sữa đầu khả năng chống lại bệnh tật rất thấp, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, tỷ lệ sống thấp.
Sữa đầu có một số tính chất sau:
- Sữa đầu có những kháng thể giúp cho cơ thể con chống lại bệnh tật mà cơ thể mẹ được thu nhận trong quá trình sống (thông qua tiêm phòng các loại vác cin, tiếp xúc với các mầm bệnh trong tự nhiên... để cơ thể mẹ tạo ra kháng thể). Kháng thể là những phân tử Protein vì vậy chúng sẽ tiêu hoá một cách bình thường như các chất đạm khác, song trong đường tiêu hoá của gia súc mới sinh nó có một cơ chế đặc biệt để hấp thu những phân tử Protein (kháng thể) trực tiếp vào máu. Khả năng này là do các tế bào đặc biệt ở ruột non hấp thu được các phân tử Protein có khối lượng lớn. Các tế bào này sẽ bị chết dần sau 12 giờ sinh ra . Ngoài các tế bào đặc biệt này, hẩp thu kháng thể còn nhờ men ức chế Pepsin có trong sữa đầu, hoạt động tiêu hoá của tuyến tuỵ còn chưa phát triển, độ PH trong dạ múi khế còn cao... Điều đó giúp cho khả năng hấp thu được kháng thể tốt hơn .
- Sữa đầu có chứa nhiều chất dinh dưỡng giúp cho gia súc non sưởi ấm và vận động sau khi sinh. Nếu thiếu sữa đầu, gia súc non sẽ thiếu năng lượng, dễ bị còi cọc và chết. Thành phần các chất trong sữa đầu đa số cao hơn sữa thường rất nhiều lần. Ví dụ hàm lượng Protein trong sữa đầu là 16,4%, trong khi đó sữa thường chỉ có 3,2%. Tương tự như vậy Iimmunoglobulin: 60%- 0,9%, Vitamin A mg/g sữa: 45- 8...(trong sữa đầu của bò).
Từ ý nghĩa và tác dụng của sữa đầu, người chăn nuôi cần quan tâm đúng mức trong chăm sóc và nuôi dưỡng khi gia súc có chửa và đẻ. Hiện nay nhiều gia đình chăn nuôi vẫn còn thói quen chờ cho lợn nái đẻ xong mới cho lợn con bú. Trong khi đó, thời gian lợn đẻ thường kéo dài từ 2- 6 giờ, có con đẻ kéo dài tới trên dưới 10 giờ, như vậy khả năng chống lại các mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể lợn con sơ sinh sẽ giảm, đồng thời cơ thể lợn con cũng thiếu năng lượng chống rét, vận động. Vì vậy cách tốt nhất, khi gia súc non mới đẻ, cần cho bú sữa đầu càng sớm càng tốt. Đối với lợn con sau khi đẻ ra, chúng ta cắt rốn, lau chùi nhớt, rãi ở miệng, mũi, thân và cho lợn con bú ngay. Cho lợn con bú mẹ ngay còn có tác dụng kích thích lợn mẹ đẻ nhanh, hạn chế khả năng sót, sát nhau. Đối với các ổ lợn cần ghép đàn, cần chú ý cho lợn con được bú sữa trong 2- 3 ngày đầu mới đem ghép đàn.
Ý kiến bạn đọc